Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Posted by Nguyễn Phúc Ánh |

Nhiều nhà sách, văn phòng phẩm tại Hà Nội cho hay, giá các mặt hàng phục vụ năm học mới này tăng trung bình 20% so với năm ngoái nhưng nhu cầu tiêu thụ của người dân vẫn tốt.
Nhà sách: Tăng ca mới kịp phục vụ
Như thường lệ, tháng 7 và tháng 8 bao giờ cũng là thời điểm sôi động nhất của thị trường sách vở, đồ dùng học tập. Không đợi đến thứ 7, Chủ nhật mà ngay những ngày trong tuần, các nhà sách, văn phòng phẩm hiện cũng rất nhộn nhịp.
Mới 10h sáng, nhà sách Trí Tuệ trên đường Giảng Võ đã có rất đông học sinh, các bậc phụ huynh đến chọn mua. Riêng quầy vở viết, tại đây đã có cả chục khách hàng chen chúc trong một diện tích nhỏ hẹp. Các hoá đơn tính tiền thường không dưới 100.000 đồng, bao gồm nhiều món như sách tham khảo, sách giáo khoa, vở, bút…
Tại hiệu sách Nguyễn Văn Cừ, quận Cầu Giấy, căn cứ trên số vé xe máy và xe đạp miễn phí phát ra, GĐ phụ trách chi nhánh Hà Nội, anh Lê Văn Nghiêm tính toán, bình quân mỗi ngày hiện nay hiệu thu hút đến 5.000 lượt khách, cao hơn hẳn các tháng trước đây.
van-phong-pham-ban-buon-20
Còn ở quận Đống Đa, hiệu sách Tiền Phong VCD cũng là một điểm đến quen thuộc của học sinh, sinh viên. Chị Trần Lệ Hà, cửa hàng trưởng cho biết, lượng khách đặc biệt đông vào những ngày cuối tuần khiến hiệu thường phải huy động hết nhân viên mới kịp phục vụ.
“Mỗi tuần nhân viên được nghỉ một ngày nhưng riêng thứ 7, Chủ nhật phải tăng ca. Ngày bình thường mỗi ca làm việc chỉ khoảng 10 người thì cuối tuần hiện phải huy động lên gấp rưỡi” - chị nói.
Tăng giá trung bình 20%
Ảnh hưởng bởi đợt tăng giá giấy hồi tháng 5, 6 vừa qua, đến nay ngoại trừ sách giáo khoa tăng 10% thì các mặt hàng như vở viết, sách tham khảo xuất bản gần đây đều đã có mức tăng lên khoảng 20% so với năm học trước.
Tại các nhà sách, vở loại 72 trang của các hãng như Hồng Hà, Mai Hà, KLong, Tiến Thành..., tùy theo định lượng và độ trắng của giấy, giá dao động từ 3.500 – 8.000 đồng, vở 120 trang giá từ 6.000 – 12.000 đồng, vở ôly 48 trang giá từ 3.300 – 6.000 đồng, vở ôly 96 trang khoảng 8.000 – 9.000 đồng/quyển.
Mặt hàng phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhựa, sắt như cặp sách, hộp bút, bút bi, bút máy, thước kẻ, compa... từ trong nước sản xuất đến nhập khẩu cũng có mức tăng rất cao.
Cụ thể, nếu như năm ngoái, các sản phẩm xuất xứ Trung Quốc như compa nhãn hiệu Dely bán tại nhà sách Tiền Phong VDC có giá 34.000 đồng thì nay lên 45.000 đồng; loại bút nhãn hiệu Maped từ 12.000, lên 24.500 đồng/chiếc; loại hộp bút sắt, hộp bút nam châm năm trước chỉ khoảng 30.000 đồng/chiếc thì nay tất cả đều lên mức 47.000đồng, 53.000đồng, thậm chí 60.000 đồng.
Các loại bút máy nét hoa, bút bi, bút nước, bút dạ... thương hiệu nội địa như Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé... cũng có giá bán tăng đến 20, 30% so với năm ngoái.
Thương hiệu trong nước đứng vững
Vở học sinh, bút, cặp sách của các hãng nội địa năm nay tiếp tục thay thế mạnh mẽ hàng Trung Quốc bởi chất lượng, hình thức và số lượng phong phú.
Năm nay, hãng Ladoda đưa ra thị trường 30 mẫu cặp, ba lô mới, tập trung vào những loại siêu nhẹ (trọng lượng từ 0,7 – 0,9 kg). Hình thức cặp được cải tiến nhiều như sử dụng mực in của Hàn Quốc đảm bảo độ bền, đẹp của hình ảnh, màu sắc sản phẩm đồng bộ đến các chi tiết như dây viền, móc khóa.
Mặc dù giá các sản phẩm dao động từ 70 – 190.000 đồng, tăng khoảng 15% so với năm ngoái, nhưng bà Đinh Mai Ánh, phụ trách kinh doanh của Ladoda vẫn khẳng định sản lượng và doanh số bán ra vẫn tăng trưởng ở mức hai con số.
Kết quả sản xuất kinh doanh của Văn phòng phẩm Hồng Hà cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay doanh thu của công ty đã đạt 149,3 tỷ đồng, tăng 40% so cùng kỳ năm trước (trong đó, chiếm gần 25 tỷ đồng là hàng gia công xuất khẩu sang thị trường Mỹ).
Vượt qua những khó khăn của nền kinh tế và lo ngại người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, sản lượng các loại bút, vở của Hồng Hà 6 tháng đầu năm lần lượt đạt mức 3,9 triệu cây và 23,3 triệu quyển, tăng từ 18 – 20% so với cùng kỳ.
Lý giải việc giá cả tăng cao nhưng doanh số bán ra chưa có dấu hiện sụt giảm, GĐ nhà sách Nguyễn Văn Cừ chi nhánh Hà Nội đưa ra hai lý do: thứ nhất đây là những mặt hàng thiết yếu, không mua thì không có để học, thứ hai, các bậc phụ huynh bây giờ rất chịu khó đầu tư cho con cái nên đắt hơn một chút họ vẫn mua, nhất là những mặt hàng có chất lượng, có thương hiệu./.

Bài viết khác


0 nhận xét:

Đăng nhận xét